Năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đo đạc bản đồ lập hồ sơ địa chính 144 công trình, diện tích 19.812 ha, đạt 100% kế hoạch, lập hồ sơ địa chính cho 44.064 ha. Đồng thời, tập trung chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện điều chỉnh QHSD đất cấp huyện đến năm 2011. Về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất luôn đảm bảo tiến độ, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án đầu tư trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn, các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh; trong năm đã trình UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất BTGPMB thực hiện dự án cho 101 trường hợp, diện tích 97,99 ha. Năm 2010, trình UBND tỉnh cấp 185 giấy CNQSD đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị hành chính sự nghiệp, đã cấp 29.382 giấy CNQSD đất ở cho hộ gia đình cá nhân; nâng tổng số giấy CNQSD đất đã cấp đến nay lên 764.450 giấy, đạt tỷ lệ 90,08%.
Tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2010 đã đi vào ổn định và việc cấp phép hoạt động khoáng sản đã được hạn chế, chủ yếu tập trung vào công tác quản lý và định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện chế biến sâu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT về “Kinh tế hóa ngành TN&MT”. Căn cứ quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy chế tạm thời “Đấu giá quyền khai thác cát, sỏi, đất và đá làm VLXD thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh” và quyết định phê duyệt Kế hoạch các mỏ đưa vào đấu giá và xác định giá theo Quy chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2010, Sở đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thành công việc đấu giá thí điểm các mỏ cát số 62, 63 và 15 thuộc huyện Thiệu Hóa, đã thu về ngân sách tỉnh hơn 25 tỷ đồng. Đây cũng là bước đột phá trong công tác thực hiện “Kinh tế hoá ngành Tài nguyên và Môi trường” tại Thanh Hóa.
Trong những năm vừa qua, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác BVMT, tăng cường hệ thống quản lý nhà nước về BVMT từ cấp tỉnh đến huyện. Thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, hệ thống phát thanh đến từng địa bàn, khu dân cư về BVMT. Do đó nhận thức về BVMT trong các cấp, các ngành, các cơ sở (các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư) được nâng lên, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng các công trình xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tỷ lệ cây xanh tăng nhanh, một số cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư đã di chuyển đến khu quy hoạch, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý ngày càng cao... Đặc biệt năm 2010, đã tập trung kiểm tra, giám sát môi trường đối với 85 cơ sở SXKD sau khi được phê duyệt báo cáo ĐTM; đã thanh tra, kiểm tra công tác BVMT của hơn 100 cơ sở sản xuất kinh doanh, đã phạt hơn 130 triệu đồng các đơn vị vi phạm pháp luật BVMT. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngành TN&MT đã xây dựng đề án điều chỉnh mạng điểm quan trắc TNMT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.. Đặc biệt trong năm qua, đã chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày môi trường Thế giới (5/6/2010), tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn (9/2010), tổ chức thành công Hội thi chung kết tìm hiểu về môi trường với chủ đề “Nhiều loài - Một hành tinh - Tương lai chúng ta”. Triển khai các hoạt động hưởng ứng Chương trình “Giờ trái đất 2010” và ngày Đại dương thế giới (8/6/2010)
Lãnh đạo tỉnh trao bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác TN&MT năm 2010
Trong năm, đã tiếp 50 lượt công dân đến đề nghị giải đáp pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tiếp nhận và xử lý 152 đơn thư khiếu nại, tố cáo, chuyển UBND cấp huyện giải quyết theo thẩm quyền 230 đơn. Thực hiện 21 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đối với gần 200 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Đã xử lý và kiến nghị UBND tỉnh xử lý, thu hồi 14,46 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt trên 390 triệu đồng đối với 56 tổ chức, cá nhân vi phạm. Tập trung rà soát, thống kê lập danh mục 158 thủ tục hành chính, trình Tổ công tác thực hiện Đề án 30 và được UBND tỉnh quyết định công bố vào ngày 23/9/2010, trình UBND tỉnh sửa đổi thủ tục hành chính “Đăng ký khai thác nước dưới đất“. Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả 1.478 hồ sơ, trong đó: lĩnh vực đất đai 1.282 hồ sơ, lĩnh vực khoáng sản 100 hồ sơ, lĩnh vực môi trường 70 hồ sơ, lĩnh vực nước 26 hồ sơ. Kết quả, đến 31/12/2010 đã xử lý trả kết quả 1.348 hồ sơ, còn 130 hồ sơ đang xử lý. Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trả kết quả đảm bảo qui trình và thời gian, tạo được sự đồng tình của tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh, đã phối hợp vói các cơ quan thông tin đại chúng trung ương và địa phương thực hiện chương trình tuyên truyền, đã tổ chức chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường với 11 ban ngành, đoàn thể, thực hiện 4 kỳ giao lưu trực tuyến với nhân dân và doanh nghiệp về chính sách, pháp luật TN&MT.
Trong một năm qua, nhận thức của cộng đồng về giữ gìn môi trường sống và nguồn tài nguyên ngày càng được nâng lên, mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn toàn tỉnh đã nhận rõ được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường. Hiện nay, Thanh Hoá đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tăng trưởng kinh tế nên sức ép đối với môi trường là rất lớn. Vì vậy việc xây dựng và phát triển các chương trình kinh tế – xã hội của tỉnh phải luôn gắn liền với việc bảo vệ và môi trường bền vững cho hiện tại và tương lai./.
Ngô Thu Hương