Năm 2011 được Liên Hợp Quốc chọn là Năm Quốc tế về rừng với mục tiêu thúc đẩy quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tất cả các loại rừng, phòng chống phá rừng và suy thoái rừng. Hưởng ứng Năm Quốc tế về rừng, Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề là “Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống và hệ sinh thái, đưa ra cảnh báo về tình trạng phá rừng và suy thoái rừng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra.
Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tài nguyên rừng lớn với diện tích đất có rừng là 532.460 ha, trữ lượng khoảng 16,64 triệu m3 gỗ, hàng năm có thể khai thác 50.000 - 60.000 m3. Rừng Thanh Hoá chủ yếu là rừng cây lá rộng, có hệ thực vật phong phú đa dạng về họ, loài; có các loại gỗ quý hiếm như: lát, pơ mu, sa mu, lim xanh, táu, sến, vàng tâm, dổi, de, chò chỉ. Các loại thuộc họ tre nứa gồm có: luồng, nứa, vầu, giang, tre. Ngoài ra còn có: mây, song, dược liệu, quế, cánh kiến đỏ … Các loại rừng trồng có luồng, thông nhựa, mỡ, bạch đàn, phi lao, quế, cao su. Thanh Hoá là tỉnh có diện tích luồng lớn nhất trong cả nước với diện tích trên 50.000 ha. Rừng Thanh Hoá cũng là nơi quần tụ và sinh sống của nhiều loài động vật như: hươu, nai, hoẵng, vượn, khỉ, lợn rừng, các loài bò sát và các loài chim … Đặc biệt ở vùng Tây Nam của tỉnh có rừng quốc gia Bến En, vùng Tây Bắc có các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, là những khu rừng đặc dụng, nơi tồn trữ và bảo vệ các nguồn gien động, thực vật quí hiếm. Hiện nay, diện tích rừng đang trong tình trạng suy giảm về diện tích và chất lượng rừng do tình trạng phá rừng trái phép để lấy gỗ, sự phát triển ồ ạt của nhiều ngành nghề kinh tế đã và đang tác động xấu đến việc quản lý và bảo vệ diện tích rừng, đã phá hoại nhiều diện tích rừng phòng hộ làm thay đổi kết cấu rừng, làm giảm chức năng phòng hộ dẫn đến thiên tai lũ lụt.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, Thành phố, Thị xã trong tỉnh tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề bảo vệ môi trường ở nơi công cộng, các đường phố chính, tại trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động vì môi trường; Tuyên truyền phổ biến các nguyên nhân và tác hại của ô nhiễm môi trường, của biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái rừng; Vận động giáo dục tới cán bộ và người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, tuyên truyền những lợi ích của rừng mang lại, hướng mọi người tự giác hạn chế sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu, tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tham gia các hoạt động trồng cây, gây rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn các loài động vật hoang dã… Từ những việc làm trên để mọi người dân hiểu được Rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ôxy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn CO2 thải ra. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước cho các dòng sông. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán…
Thu Hương (lược ghi)