Tham dự buổi tiếp xúc có đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 Chương, 236 Điều, trong đó giữ nguyên 28 Điều; sửa đổi 184 Điều; bổ sung mới 41 Điều và bãi bỏ 8 Điều…
ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi tiếp xúc cử tri.
Dự thảo Luật lần này có một số điểm mới như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất…
Các đại biểu và cử tri tham dự hội nghị tiếp xúc.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Sở Tài nguyên và Môi trường và cử tri thuộc các phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố cơ bản nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết ban hành Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là những bất cập trong quản lý và sử dụng đất.
ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn nêu các nội dung cần đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Các ý kiến cho rằng, những điều khoản áp dụng của Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhất là các vấn đề về đối tượng cho tặng đất đai, giá đất, tranh chấp đất đai, cơ chế thực hiện dự án, đấu thầu, đấu giá, bồi thường tái định cư, phát triển quỹ đất, phân cấp trong thẩm định giá,… nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
Cử tri tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các đại biểu cũng đề nghị xem xét quy định về người sử dụng đất với “cá nhân người nước ngoài” để thống nhất với các Luật khác; nghiên cứu sửa đổi Điều 115 và khoản 1 Điều 115 theo hướng: Nêu cao tên gọi trong quy định của Luật là “Trung tâm phát triển quỹ đất” như “Văn phòng đăng ký đất đai hay Quỹ phát triển đất”; quy định cụ thể nhiệm vụ “Tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” cho tổ chức phát triển quỹ đất vào khoản 2 Điều 112 để phù hợp với quy định tại Điều 78.
Cử tri tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đề nghị nêu rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ có liên quan, nhất là các vụ việc tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định; đề nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 10 từ “thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố” thành “giao đất, cho thuê đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố”; đề nghị hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm khiếu nại, khiếu kiện…
Các cử tri tham dự buổi tiếp xúc.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Luật Đất đai có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, phát triển kinh tế của đất nước. Trong đó có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của mọi người dân, mọi cơ quan, đơn vị. Việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, của mỗi địa phương, đơn vị đều phụ thuộc rất lớn vào đất đai và phát triển đất đai.
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri.
Việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dịp để phản ánh những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn lâu nay và cũng là dịp để các cơ quan, đơn vị nghiên cứu bước đầu về tinh thần của Dự thảo Luật.
ĐBQH Lại Thế Nguyên ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cử tri đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật để phản ánh với Ban soạn thảo và đóng góp ý kiến với Quốc hội tại kỳ họp tới.
Các cử tri tham dự buổi tiếp xúc.
ĐBQH Lại Thế Nguyên đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo và phát động rộng rãi việc tham gia ý kiến của các nhà chuyên môn, cán bộ, chuyên viên trong ngành đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách nghiêm túc, thiết thực và coi đây là lần học tập Luật Đất đai bước đầu. Đồng thời, tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên đề về từng nhóm việc mà thực tiễn đang đặt ra như: quy hoạch, giao đất, cho thuê đất; đấu thầu dự án thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất… để kiến nghị những vấn đề chưa hợp lý.
Sở Tài Nguyên và Môi trường coi việc nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác tháng 3-2023 của đơn vị mình.