PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên & Môi trường, trong 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011?
Được sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong 6 tháng đầu năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai đảm bảo hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tiếp tục được duy trì; công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất để cho các dự án đầu tư đảm bảo đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất.
Ông Vũ Đình Xinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa
Sở đã thẩm định trình UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất 67 hồ sơ với tổng diện tích 213 ha; kiểm tra nghiệm thu, nhập kho tài liệu tại 12 công trình đo đạc năm 2010 các xã thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn; triển khai 51 công trình đo đạc năm 2011 ( diện tích 52.774 ha). Quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xây dựng đề án khuyến khích tích tụ ruộng đất tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020. Dự án điều chỉnh bổ sung bản đồ đất phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc, cấp giấy CNQSDĐ, xây dựng bảng giá các loại đất...
Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình xâm nhập mặn hạ lưu sông Mã, sông Hoạt, sông Yên, xây dựng kế hoạch đo triều- mặn trên hệ thống các sông. Đôn đốc đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường 42 cơ sở SXKD và phê duyệt 15 báo cáo tác động môi trường
Đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị, ngành tập trung chỉ đạo kiểm tra chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời hoạt động khai thác, tập kết cát trái phép ở các huyện: Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Sầm Sơn; hoạt động khai thác sắt trái phép gây mất an ninh trật tự ở Ngọc Lặc; tình hình quản lý và bảo vệ vùng mỏ Cromit trên địa bàn các huyện Nông Cống, Như Thanh, Triệu Sơn
Xuất phát từ tình hình thực tế các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác đá trên địa bàn, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định số 1462/QĐ-UBND ngày 11/5/2011 về việc cho phép các đơn vị được tiếp tục thực hiện quyền khai thác chờ thời gian xác định giá. Trình UBND tỉnh cấp, gia hạn 34 giấy phép hoạt động khoáng sản. Ký hợp đồng trúng đấu thầu giá quyền khai khác khoáng sản 3 mỏ cát 62, 63,15 tại huyện Thiệu Hóa
Trong 6 tháng còn lại năm 2011, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Hoàn thàn công tác về đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính và cấp GCNQSDĐ, hướng dẫn lập QHSDĐ giai đoạn 2011- 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm ( 2011- 2015) phải đạt 85% ở cấp tỉnh, cấp huyện và trên 70% đối với cấp xã. Hoàn thành việc thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ đưa vào đấu giá năm 2011 trình UBND tỉnh phê duyệt, tiếp tục thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản theo kế hoạch đã được phê duyệt...
PV: Để khai thác nguồn Tài nguyên khoáng sản có hiệu quả cao và bền vững, Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa đã đưa ra những chính sách và giải pháp gì?
Thanh Hóa là tỉnh có nguồn Tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản diễn ra sôi động, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập như: Khai thác trái phép, khai thác không đúng thiết kế khai thác mỏ làm ô nhiễm môi trường, gây lãng phí nguồn tài nguyên, gây mất ổn định trật tự, an ninh trong khu vực mỏ. Nhiều đơn vị được cấp mỏ buông lỏng quản lý, không tổ chức sản xuất kinh doanh đúng quy định, không đủ năng lực quản lý mỏ.
Trước tình hình đó, để khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả cao và bền vững, Sở đã chủ trì, đề xuất UBND tỉnh ban hành Quy chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trên cơ sở đề xuất của Sở, ngày 28/6/2011 Chủ tịch UBND ra Quyết định số 2261/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế tạm thời “Đấu giá quyền khai thác cát, sỏi, đất và đá làm vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh”.
Việc ban hành kịp thời Quy chế nhằm quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản hiệu quả và bền vững để tận thu triệt để tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tham gia khai thác, chế biến khoáng sản, chủ động và yên tâm đầu tư. Thay đổi từ cơ chế “xin cho” khi thực hiện cấp phép sang định giá giao mỏ thu, đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Sau khi Quy chế có hiệu lực thi hành, Sở đã cùng với các ngành triển khai thực hiện. Đến nay đã đấu giá thành công 03 mỏ cát với số tiền trúng đấu giá hơn 24 tỷ đồng. Hiện nay theo kế hoạch xác định trữ lượng các mỏ khoáng sản làm cơ sở cho việc đấu giá, định giá các mỏ năm 2011 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 588/QĐ-UBND ngày 28/02/2011, Sở đang cùng với các ngành, huyện liên quan xây dựng phương án để sớm đấu giá, định giá 15 mỏ cát, 53 mỏ đá, đất san lấp theo kế hoạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng khoáng sản của tỉnh, góp phần khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả cao và bền vững.
Nguyễn Dũng- Thu Thủy (Nguồn Bao tn&mt)