Tin tức & sự kiện
Trăn trở, thảo luận cùng nhân dân tìm hướng thoát nghèo (07/09/2011)

Sự kiện Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng vào thăm huyện Mường Lát, Thanh Hóa đúng dịp Tết Độc lập 2-9 mang nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là trách nhiệm mà hơn hết đó là sự quan tâm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đối với một trong những địa phương nghèo và khó khăn nhất của cả nước.

    Chọn Mường Lát, huyện cực Tây xa xôi, cách trở nhất của Thanh Hóa làm điểm đến, đồng chí Tổng Bí thư muốn nhấn mạnh đến tính “thiết thực” của chuyến công tác này. Thiết thực ở mong muốn được gần dân, nghe tiếng nói của nhân dân ở những nơi đồng chí đến thăm: Trung Lý, Quang Chiểu, Mường Chanh... Bản Khằm I (xã Trung Lý), điểm đến đầu tiên của đồng chí Tổng Bí thư và Đoàn công tác tại Mường Lát. Sự oi nực của thời tiết dường như không làm giảm bớt sự háo hức của người dân. Ngôi nhà không mấy rộng rãi của gia đình ông Vàng A Pó chật kín người ngồi, người đứng. Đồng bào đến để nghe và hơn hết là để được hỏi, được kiến nghị lên đồng chí Tổng Bí thư những điều họ băn khoăn, mong muốn, hy vọng. Bằng tiếng phổ thông chưa sỏi, ông Vàng A Pó và 60 hộ dân trong bản (trong đó 55 hộ dân tộc Mông) mong sẽ được Đảng và Nhà nước “tạo điều kiện để bà con làm ăn, sinh sống, xây dựng nhà cửa kiên cố hơn”. Ông Lương Văn Ơn (nguyên bí thư đảng ủy xã Trung Lý) kiến nghị “nên để học sinh học theo độ tuổi và lên lớp đúng độ tuổi”... Ngoài các chính sách chung cho toàn huyện, Thanh Hóa đã sớm triển khai chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ổn canh ổn cư cho riêng đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát. Đó là cơ sở để nhiều năm qua, Mường Lát đã hạn chế được tình trạng người Mông di cư tự do, đốt nương làm rẫy. Tuy vậy, muốn “giữ chân” họ lâu dài, ngoài các điều kiện về cơ sở vật chất, quan trọng hơn phải là giáo dục nhận thức. Bởi vậy mà, vai trò của giáo dục ở đây là hết sức quan trọng, dẫu biết rằng làm được điều ấy là không dễ dàng. Mong mỏi của người dân xuất phát từ nhu cầu thiết thực nhất của họ trong đời sống hằng ngày. Các chủ trương, chính sách cũng theo đó mà được hình thành và trở lại phục vụ cuộc sống. Để chính sách đúng đắn, hợp lý thì quan trọng nhất là ở sự lắng nghe để gạn lọc. Tiếp xúc với bà con trong không khí cởi mở, thân tình, không có khoảng cách, đồng chí Tổng Bí thư nắm bắt các vấn đề dân sinh tại địa phương bằng sự trao đổi thẳng thắn, cụ thể, giao lưu từ hai phía. Điều này là cần thiết để giảm dần việc “nghĩ thay” mà gợi mở để bà con tự nghĩ mình cần gì để có thể thay đổi hiện trạng đời sống. Cũng như mọi sự đầu tư sẽ chưa được coi là hiệu quả nhất nếu người dân không nhận thức hết được vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình trong đó.
    Là “vùng lõm” về kinh tế, văn hóa xã hội, “vùng nóng” về an ninh trật tự, Mường Lát - một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước luôn nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước bằng một loạt các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ, các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan mà sự phát triển của Mường Lát vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư cũng như sự mong đợi của các cấp, các ngành. Vì là huyện nghèo nên các xã trong huyện cũng không nằm ngoài cái khuôn khổ, cái giới hạn của khó khăn ấy. Tuyến đường Tén Tằn – Mường Chanh – Mốc G7 đã hoàn thiện, nối xã địa đầu Mường Chanh với trung tâm huyện, đồng thời nối liền sự thông thương kinh tế và dịch vụ trong vùng với bên ngoài. Mặc dù cách trung tâm gần 35 km, song Mường Chanh được đánh giá là xã thuộc “tốp” khá trong 9 xã, thị trấn nhờ sự thuận lợi hơn về đất canh tác (đây vốn là vấn đề nan giải của Mường Lát), về sử dụng vốn đầu tư, về xây dựng cơ sở hạ tầng... thế nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn ở mức cao, trên 67%. Tỷ lệ này ở các xã còn lại hoặc tương đương hoặc cao hơn. Những con số ấy là điều mà đồng chí Tổng Bí thư băn khoăn và đặt ra với lãnh đạo huyện Mường Lát, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Rằng: vì sao Mường Lát vẫn nghèo? Làm thế nào để thoát khỏi cái nghèo, cái khổ hay cứ sống cam chịu mãi? Đất nước ta đã giành độc lập được 66 năm và hơn 30 năm sống trong hòa bình, ổn định và phát triển, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn vậy mà sự nghèo nàn, lạc hậu vẫn chưa thực sự chuyển biến mạnh mẽ. Tại sao? Do điều kiện tự nhiên, đất đai khó khăn? Trình độ dân trí thấp? Chính sách chưa phù hợp?... Sẽ là có phần dễ dãi nếu cứ bám mãi vào những lý do ấy để giải thích cho sự chậm chạp, tụt hậu trong khi nhiều huyện thuộc các tỉnh vùng tây bắc, đông bắc còn khó khăn hơn nhưng sự phát triển vẫn nhìn thấy rõ. Trả lời cho câu hỏi “làm thế nào?”, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh “Cần điều tra, nắm cho chắc, phân tích cho đúng tình hình và tìm ra căn nguyên của bệnh đói nghèo. Có phương pháp sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả song song với cách thức thực hiện hợp lý”. “Thiết thực” là khi buổi làm việc, trao đổi, thăm hỏi của Đoàn công tác cấp cao Trung ương đã trở thành “cuộc hội thảo của các cấp, các ngành và địa phương nhằm tìm ra câu trả lời “làm thế nào để đưa Mường Lát thoát nghèo”! (lời đồng chí Tổng Bí thư).
    Với 100 km đường biên giới giáp nước bạn Lào, Mường Lát là nơi đóng chân của 5 đồn biên phòng (Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu) và Đoàn kinh tế quốc phòng 5 (Quân khu 4). Vấn đề bảo đảm an ninh biên giới, an ninh quốc gia được đặt lên hàng đầu không chỉ với Mường Lát, với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) biên phòng mà với cả tỉnh Thanh Hóa. Thăm hỏi đời sống CBCS các đồn biên phòng, đồng chí Tổng Bí thư vui mừng khi biết rằng bà con các dân tộc trên địa bàn luôn dành cho CBCS tình cảm ruột thịt. Xây dựng được tình cảm tốt đẹp ấy là không dễ nên việc củng cố và thắt chặt tình đoàn kết quân – dân càng phải cần được chú trọng. Bởi chỉ có sống trong dân, được nhân dân tin tưởng thì sự ổn định mới lâu dài. Muốn vậy CBCS phải biết dân vận khéo, vừa là người lính và đồng thời phải là một bác sĩ, y tá, thầy giáo, kỹ sư nông nghiệp hay thậm chí là một nông dân thực thụ. Giúp dân phát triển kinh tế, chăm lo sức khỏe, học hành... để bà con ổn định đời sống thì biên cương mới thật bền vững.
    Nhấn mạnh đến tình đoàn kết quân - dân, đồng chí Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu tâm đến mối quan hệ cũng như sự đoàn kết, gắn bó giữa 6 dân tộc anh em – những tộc người đã chọn Mường Lát là nơi sinh sống nhiều đời nay hoặc nơi định cư mới. Đồng chí cho rằng, đoàn kết các dân tộc sẽ là một trong những cơ sở quan trọng giúp Mường Lát ổn định và thoát nghèo. Không thể thành công nếu chỉ có lý thuyết cũng như mọi cái lý đều phải xuất phát từ thực tiễn. Mường Lát dù khó khăn nhưng nếu nhìn vào hệ thống các chính sách đầu tư tương đối toàn diện của Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là việc tăng cường nguồn lực con người và căn cứ vào những lợi thế của địa phương trong lâm nghiệp... thì rõ ràng Mường Lát đang có nhiều ưu thế để phát triển. Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng, điều quan trọng lúc này là Mường Lát phải nhận thức sao cho đúng những lợi thế để xác định hướng đi phù hợp. Đồng chí chỉ rõ: là một huyện có lợi thế về nông – lâm nghiệp nhưng tỷ trọng của ngành chỉ chiếm 12,6% và địa phương vẫn đánh giá là “chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm”. Vậy như thế nào là chậm? Cần nhận thức cái “chậm” ấy ra sao cho hợp lý? Hoặc với một huyện có tới 65,4% hộ nghèo và 14% hộ cận nghèo nhưng qua thực tế và báo cáo của một số xã, thôn, bản cho thấy tỷ lệ người dân có xe máy, ti vi, điện thoại khá cao, số lượng đàn gia súc/hộ dân khá lớn... vậy nên chăng cần đánh giá lại tiêu chí xét hộ nghèo của địa phương?...
 
    Theo nghĩa tích cực của nó, đấu tranh làm nên thay đổi, cũng như có băn khoăn một cách biện chứng người ta mới thấy cần phải lấp đầy những khoảng trống. Với những vấn đề được đồng chí Tổng Bí thư đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa, cho huyện Mường Lát, thiết nghĩ giá trị của sự băn khoăn là khi gốc rễ của cái khó được nhìn nhận để trăn trở tìm phương pháp đấu tranh. Cần phải đấu tranh với cái cũ kỹ, lạc hậu kể cả trong nhận thức để thay đổi và phát triển.

Lê Dung – PV Báo Thanh Hóa

In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Đổi mới nhận thức về đất đai  (07/09/11)
 Tập huấn tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2011 (23/08/11)
 Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường  (18/08/11)
 7 đơn vị được khai thác mỏ đá tại xã Yên Lâm (17/08/11)
 Hội thảo về xây dựng Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường  (02/08/11)
 Tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai  (22/07/11)
 UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu  (07/07/11)
 Lễ mít-tinh quốc gia hưởng ứng Ngày đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2011.  (14/06/11)
 Hội thi chung kết tìm hiểu về môi trường năm 2011. (07/06/11)
 Hội thi chung kết phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường năm 2011. (07/06/11)
 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị (06/06/11)
 Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011 sẽ tổ chức tại Thành phố Nha Trang  (17/05/11)
 Tổ chức cuộc thi ảnh - Kinh tế xanh (01/04/11)
 Việt Nam tham gia Giờ Trái đất 2011 (17/03/11)
 Hưởng ứng ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2011 (17/03/11)
       
 
Bản quyền sử dụng: Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa
Địa chỉ: 14 Hạc Thành, P Tân Sơn, Thành phố Thanh Hoá, Điện thoại: 02376.256.168; Fax: 02376.256.157

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22 tháng 01 năm 2019.
Website được xây dựng với sự phối hợp giữa Công ty Công nghệ Lam Kinh và Trung tâm CNTT Sở TNMT