Thông tin liên kết
Biến đổi khí hậu đang đe dọa vựa lúa của châu Á (18/04/2012)

Các chuyên gia thời tiết nổi tiếng và các nhà khoa học nông nghiệp trên thế giới vừa đưa ra cảnh báo, khi châu Á bắt đầu bước sang mùa gió mùa, tình trạng biến đổi khí hậu nhanh sẽ dẫn đến những đợt hạn hán và lũ lụt kéo dài, từ đó có thể đe dọa tình hình sản xuất lúa gạo và cuộc sống của nhiều triệu người trong khu vực.

    Nam và Đông Nam Á là quê hương của hơn 1/3 dân số thế giới và cũng là nơi chiếm một nửa tổng số người nghèo và suy dinh dưỡng của thế giới. Không áp dụng các biện pháp mới trong sản xuất lương thực, biến đổi khí hậu trong khu vực sẽ làm mất khoảng 50% sản lượng nông nghiệp trong 3 thập kỷ tới. Do nông nghiệp được coi là xương sống của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực, sản lượng lương thực giảm như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho các nước. Hiện nay, người nông dân cũng đang chịu sức ép không những phải chú trọng đối phó với biến đổi khí hậu mà còn phải hạn chế tác động của nông nghiệp sinh ra lượng khí thải nhà kính. Sản xuất nông nghiệp, cùng với việc chuyển đổi sử dụng đất và khai thác rừng bừa bãi, chiếm gần 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Bruce Campbell, chuyên gia của Chương trình Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực (CCAFS) thuộc Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR), cho biết, biến đổi khí hậu đang đe dọa sản lượng lương thực, kết quả chăn nuôi, đánh bắt cá và trồng rừng, trong khi dân số thế giới bùng nổ đang đặt ra những nhu cầu mới về sản xuất lương thực. Những xu hướng mâu thuẫn này đòi hỏi châu Á và thế giới phải tiến hành cải cách các hệ thống nông nghiệp để có thể sản xuất đủ lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con người và hỗ trợ phát triển kinh tế bất chấp những điều kiện ngày càng thay đổi nhanh chóng.

    Gần đây, Đông Nam Á trải qua những đợt biến đổi thời tiết khắc nghiệt, như trận lũ lụt khủng khiếp năm 2011 ở Thái Lan xảy ra sau một đợt hạn hán kỷ lục khắp khu vực năm 2010. Những sự kiện này, cộng với nhiều diễn biến thời tiết cực kỳ khắc nghiệt khác trên thế giới, đã ảnh hưởng đến giá lương thực toàn cầu và các chiến lược phát triển con người cũng như hệ sinh thái.   

    Trong thập kỷ 1970-1980, hầu hết các nước châu Á đã tự cung cấp lương thực nhờ các khoản đầu tư được thực hiện trong cuộc Cách mạng Xanh, từ đó tìm ra các loại lúa mới và nhiều giống cây trồng khác, công tác quản lý cây trồng và nước tưới tốt hơn. Hiện nay các khu vực châu thổ của các con sông lớn ở châu Á là các vựa lúa của thế giới và rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu lúa gạo toàn cầu. Nhưng tình trạng biến đổi ngày càng tăng giữa các mùa đang tạo sức ép đối với các nguồn cung cấp nước, trong khi đó mực nước biển dâng đang biến các nguồn cung cấp nước ngọt thành nước lợ có nồng độ mặn cao. Những vấn đề đó đang đẩy tiến trình sản xuất lúa gạo của châu Á vào tình trạng khó khăn. Lúa gạo ở châu Á được gieo trồng ở các vùng châu thổ rộng lớn, thấp và các khu vực ven sông, chẳng hạn châu thổ sông Mêkông - nơi sản xuất hơn một nửa lúa gạo của Việt Nam. Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi chất lượng nước và tăng độ mặn của các khu vực này. Hơn nữa, một số vịnh sông lớn, trong đó có vịnh Chao Phraya ở Thái Lan và sông Hồng ở Việt Nam, đang được coi là "chết" do tất cả nguồn nước đầu nguồn bị ngăn chặn.  Tại Nam Á, các vịnh sông Hằng và sông Indus là nơi bảo đảm an ninh lượng thực của hơn một tỷ người, nhưng nhiều dấu hiệu nguy hiểm đang nổi lên: 88% người Ấn Độ sinh sống ở các vịnh sông đang trong tình trạng thiếu nước hoặc thiếu lương thực. Tại Đông Nam Á, mặc dù sử dụng nước tưới dễ dàng, nhưng gần 70% vụ gieo trồng vẫn thiếu nước và dễ bị ảnh hưởng bởi những đợt biến đổi khí hậu.          

    Trước tình hình đó, các nước khu vực phải nhanh chóng đầu tư nhân tài và vật lực thích đáng để tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm điều chỉnh sản xuất lương thực và quản lý những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Nhưng Purvi Mehta-Bhatt, Giám đốc Khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu Vật nuôi Quốc tế, cho biết  sản xuất lương thực không phải lĩnh vực duy nhất của nông nghiệp cần được điều chỉnh. Các hệ thống sản xuất vật nuôi, đặc biệt ở các nước đang phát triển, đang thay đổi nhanh chóng để phù hợp với mức tăng trưởng dân số và nhu cầu ngày càng lớn về thịt và sữa trên toàn cầu. Các phương pháp chăn nuôi hiện nay trung bình phải mất 900 lít nước mới tạo ra một lít sữa. Khi xem xét các trường hợp cực đoan nhất gần đây của biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Mannava V.K. Sivakumar của Tổ chức Khí tượng Thế giới chú trọng đến quy mô, tần suất và tác động kinh tế của các sự kiện thời tiết cực đoan. Ông nói : "Chúng ta có thể nhận thấy những thiệt hại kèm theo rủi ro ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Nhưng phần lớn thiệt hại đó không được bảo hiểm, nghĩa là phần lớn dân chúng của các nước đang phát triển, nhất là các nước ở khu vực châu Á, phải trả giá cho những thảm họa và khí hậu đang biến đổi".

Linh Phương

In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Phê duyệt Chiến lược phát triển KHCN đến 2020 (16/04/12)
 Xây hệ thống cảnh báo sóng thần tại 13 địa phương (16/04/12)
 Bộ TN&MT kêu gọi hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2012 (16/04/12)
 Quyết định 5 sự kiện chính diễn ra trong Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam (16/04/12)
 Nghị định 31/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung (13/04/12)
 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối thoại trực tuyến với nhân dân  (06/04/12)
 Duyệt chương trình quốc gia nước sạch nông thôn  (06/04/12)
 Đưa cải cách thủ tục hành chính đi vào chiều sâu (06/04/12)
 Ô nhiễm đại dương gây thiệt hại 2.000 tỉ USD  (06/04/12)
 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục lưu vực sông nội tỉnh (03/04/12)
 Hợp tác để hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ quản lý biển và hải đảo (28/03/12)
 Ngày 09 tháng 03 năm 2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2012/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản năm 2010 (27/03/12)
 Giai đoạn 2001-2011: Thập kỷ nóng nhất trong lịch sử nhân loại  (27/03/12)
 Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính từ đất đai (27/03/12)
 Phát biểu tại mít tinh quốc gia hưởng ứng:Ngày nước thế giới năm 2012 (26/03/12)
       
 
Bản quyền sử dụng: Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa
Địa chỉ: 14 Hạc Thành, P Tân Sơn, Thành phố Thanh Hoá, Điện thoại: 02376.256.168; Fax: 02376.256.157

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22 tháng 01 năm 2019.
Website được xây dựng với sự phối hợp giữa Công ty Công nghệ Lam Kinh và Trung tâm CNTT Sở TNMT