Thông tin liên kết
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang trả lời phỏng vấn về các hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường (20/01/2012)

Trước thềm Xuân Nhâm Thìn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã có cuộc trò chuyện với báo giới về những vấn đề của ngành tài nguyên và môi trường. Báo TN&MT lược ghi.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết Luật Khoáng sản 2010 đã có những chính sách gì để gắn hoạt động khai thác với chế biến sâu, khắc phục tình trạng khai thác, xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô?
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang: Theo Luật Khoáng sản năm 2010, Nhà nước khuyến khích dự án đầu tư khai thác gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản; việc cấp phép khai thác khoáng sản được quy định chặt chẽ để việc khai thác nhất thiết phải gắn với chế biến. Nhà nước vẫn có chính sách xuất khẩu khoáng sản, tuy nhiên việc xuất khẩu khoáng sản phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ, các sản phẩm xuất khẩu phải qua chế biến và đạt các yêu cầu về chất lượng, không xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô.
Tôi khẳng định về cơ bản các chính sách, quy định đã có đầy đủ; đặc biệtngày 09/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản với nhiều giải pháp đồng bộ.
Như vậy cùng với quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn trong thời gian tới công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản sẽ đi vào nền nếp.
 
PV: Liên quan một mảng khác của ngành - vấn đề ô nhiễm môi trường - trong năm 2011, vẫn còn phát hiện nhiều doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường như AB Mauri, Sonadezi ở Đồng Nai; Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty Chế biến phụ phẩm cá tra - Cần Thơ….Phải chăng chế tài xử lý của chúng ta còn chưa nghiêm?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Các quy định về chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay về cơ bản đã có đủ. Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã quy định các hình thức xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: Tạm đình chỉ hoạt động, buộc di dời ra khỏi khu dân cư và cao nhất là cấm hoạt động. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 117 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường... Cùng với việc sửa đổi Chương 17 về Tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự thì sắp tới các hành vi này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.Đây là những biện pháp chế tài khá mạnh và kiên quyết.
Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều địa phương chưa xử lý kiên quyết hoặc né tránh dẫn đến tình trạng kém kỷ cương. Bộ TN&MT đã đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các địa phương, và đây sẽ vẫn là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác thanh tra của Bộ năm 2012.
Bộ cũng sẽ có kiến nghị cụ thể với Chính phủ nhằm gắn kết chặt chẽ hơn vấn đề bảo vệ môi trường với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tài nguyên; phải đưa môi trường trở thành thước đo chất lượng của sự tăng trưởng. Và đó mới chính là những biện pháp có tính căn cơ, lâu dài.
 
PV: Thưa Bộ trưởng, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã, đang và sẽ chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai và biến đổi khí hậu. Xin Bộ trưởng cho biết, trong nửa năm qua, kể từ khi đảm nhiệm vai trò là người đứng đầu của ngành TNMT, Bộ trưởng đã dành nhiều sự quan tâm cho việc chỉ đạo, điều hành và cụ thể hóa các chương trình hành động của Việt Nam như thế nào trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tiếp nối những thành quả đạt được trong giai đoạn khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, kể từ khi đảm nhiệm vai trò là người đứng đầu ngành TNMT, cá nhân tôi cùng các đồng chí Lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Một số kết quả đạt được như sau:
 Thứ nhất, Tăng cường năng lực quản lý về biến đổi khí hậu, hoàn thiện cơ chế chính sách; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12 năm 2011. Đây là cơ sở quan trọng để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chiến lược ngành, lĩnh vực hiện có và xây dựng các chiến lược mới phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu để vượt qua thách thức và tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại, đồng thời nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhằm triển khai có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp để giải quyết những hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu quan trọng, mang tính liên ngành, liên lĩnh vực, trọng tâm, trọng điểm, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu.
 Thứ hai, Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Chương trình, Bộ TN&MT chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, xác định các giải pháp ứng phó cho các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ, ngành. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã tổng hợp, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong Dự thảo Kế hoạch hành động đã xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong giai đoạn 2012 - 2020. Một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt là chủ động ứng phó với thiên tai và nước biển dâng; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; ưu tiên chống ngập cho các thành phố lớn; củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa.
 Thứ ba, Công tác vận động tài trợ quốc tế đã đạt được những bước tiến quan trọng, nhiều tổ chức tài chính đa phương cũng như Chính phủ các nước đã đánh giá cao và tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam với nhiều hình thức và cơ chế tài chính mới, có nhiều tiềm năng. Chỉ tính riêng Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC), ước tính đến năm  2013 Việt Nam sẽ thu hút được khoảng hơn 700 triệu USD để triển khai các dự án cấp bách, cấp thiết, không thể trì hoãn nhằm ứng phó hiệu quả với các tác động trước mắt cũng như lâu dài của biến đổi khí hậu. Bốn nhóm dự án đã và đang được ưu tiên triển khai xem xét là:
Trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn nhằm chống xâm thực bờ biển, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven biển; Trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn để tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, rửa trôi, nâng cao độ che phủ, giảm thiệt hại do thiên tai, bảo vệ các công trình vùng hạ lưu, điều hòa khí hậu, duy trì và phát triển sinh kế cho cộng đồng, cải tạo môi trường sinh thái…; Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt nhằm ổn định đời sống, sản xuất của cộng đồng trước tình trạng triều cường, nhiễm mặn, lũ lụt và hạn hán gia tăng; Triển khai các giải pháp chống ngập do mưa lũ, triều cường ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số đô thị khác...
Tới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT cùng với Bộ Ngoại giao thành lập tổ công tác sẽ tiến hành vận động để thực hiện một số dự án trọng điểm tại một số quốc gia.
 
PV: Được biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia ứng phó với BĐKH, trong đó Bộ TN&MT là cơ quan thường trực. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa mới phê duyệt Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Xin Bộ trưởng cho biết, trong năm 2012, cá nhân Bộ trưởng cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có các chương trình hành động cụ thể như thế nào? Đặc biệt là việc cụ thể hóa các chương trình hành động để cộng đồng và các địa phương có thể tham gia ứng phó một cách hiệu quả với biến đổi khí hậu?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 43/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu. Qua đây thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc chủ động và nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế để ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Chương trình công tác cho năm 2012 và những năm tiếp theo nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu chính đã được nêu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu trong đó chú trọng chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng; củng cố, xây dựng các công trình trọng điểm, cấp bách phòng chống thiên tai. Tập trung nghiên cứu có lộ trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, bảo đảm an ninh lương thực và tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu; duy trì hợp lý và bền vững quỹ đất cho nông nghiệp tại các vùng, các địa phương; quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước các vùng lãnh thổ, các lưu vực sông lớn; tăng cường hợp tác quốc tế trong chia sẻ lợi ích nước xuyên biên giới. Cần ứng phó tích cực với nước biển dâng, tình trạng gia tăng bão, lũ lụt, xâm nhập mặn, hạn hán, mất đất, suy thoái môi trường đối với các vùng trọng điểm và nhạy cảm cao, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
Để triển khai có hiệu quả các nội dung nêu trên, ngoài sự chủ động, nỗ lực của Chính phủ, của các Bộ, ngành, rất cần sự chung tay góp sức vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt từ những kinh nghiệm quý báu của cha ông ta từ hàng trăm năm qua cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, khi biết kết hợp với kiến thức bản địa, tôi tin tưởng rằng Việt Nam ta sẽ chủ động thích ứng trước các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, đồng thời từng bước tận dụng được các cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia.

Thúy Hằng (lược ghi)

In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Chuyển giao công nghệ xử lý nước ao, hồ di động đầu tiên của Việt Nam  (19/01/12)
 Bức ảnh đầu tiên chụp voọc mũi hếch cực hiếm  (19/01/12)
 Ngành TN&MT: Vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ quản lý Nhà nước (18/01/12)
 Tổng cục Môi trường tổ chức thành công Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2011 (18/01/12)
 Cần giải pháp khẩn cấp toàn cầu về biến đổi khí hậu (18/01/12)
 Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai 10 giải pháp khắc phục ô nhiễm (18/01/12)
 Cơ sở làng nghề buộc phải di dời nếu không xử lý được ô nhiễm  (17/01/12)
 10 loài có nguy cơ tuyệt chủng năm 2012 (16/01/12)
 Quy định mới về XNK chất làm suy giảm tầng ozon (15/01/12)
 Hiện tượng thời tiết La Nina đã lên tới đỉnh điểm (15/01/12)
 Bộ TNMT-Ban hành Thông tư về bảo vệ môi trường khu kinh tế  (13/01/12)
 Con hổ cái trắng già nhất tại Nhật Bản đã qua đời (13/01/12)
 Tổng cục Địa chất & Khoáng sản tổng kết công tác năm 2011, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2012. (06/01/12)
 10 sự kiện môi trường thế giới nổi bật năm 2011  (03/01/12)
 Cục quản lý tài nguyên nước-Tổng kết công tác năm 2011 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2012. (03/01/12)
       
 
Bản quyền sử dụng: Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa
Địa chỉ: 14 Hạc Thành, P Tân Sơn, Thành phố Thanh Hoá, Điện thoại: 02376.256.168; Fax: 02376.256.157

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22 tháng 01 năm 2019.
Website được xây dựng với sự phối hợp giữa Công ty Công nghệ Lam Kinh và Trung tâm CNTT Sở TNMT