Thông tin liên kết
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2012 và Năm Quốc tế về Năng lượng bền vững cho tất cả chúng ta. Kinh tế xanh - động lực cho phát triển bền vững (01/06/2012)

​Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay của Việt Nam được tổ chức tại Quảng Ninh, sớm hơn 2 ngày so với thông lệ. Dẫu vậy, chủ đề “Kinh tế xanh: Có vai trò của Bạn” đã được các địa phương trong cả nước hưởng ứng bằng những hoạt động thiết thực từ nhiều ngày nay.

   Xu hướng thế giới
   Thông điệp từ Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho thấy, Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2012 phản ánh nhận thức sâu rộng đối với nền Kinh tế Xanh như là một bước đi tiếp theo hướng đến thế kỷ 21 bền vững, với nồng độ carbon trong khí quyển thấp và các nguồn nguyên liệu được sử dụng một cách hiệu quả.
   Vào thời điểm này 20 năm trước, Brazil- đất nước đông dân thứ 5 trên thế giới đã đăng cai tổ chức Ngày Môi trường và “Hội nghị Trái đất” lần đầu tiên vào năm 1992 (Rio 1992). Các nhà lãnh đạo thế giới, người đứng đầu Chính phủ và các tổ chức thế giới đã thảo luận để xác định lại trọng tâm và phương hướng tiến tớ sự phát triển bền vững. Giờ đây Brazil trở thành nước đi đầu trong việc xây dựng một nền kinh tế Xanh bao gồm tái chế, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tạo ra nhiều việc làm “xanh”. Ngành công nghiệp tái chế của Brazil mang lại nguồn thu 2 tỷ USD một năm, đồng thời làm giảm 10 triệu tấn khí nhà kính thải ra môi trường. Quốc gia Mỹ La – tinh này đang dẫn đầu thế giới về ngành sản xuất ethanol bền vững làm nhiên liệu cho giao thông vận tải và hiện đang tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực tái tạo khác như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Với việc xây dựng 500.000 ngôi nhà với hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời, Brazil đã tạo ra 30.000 việc làm mới trong thời gian gần đây.
   Là quốc gia đăng cai kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 2012, Brazil đang minh chứng cho con đường đi tới nền kinh tế Xanh có thể bắt đầu ngay từ sự đối mặt với nạn phá rừng ở lưu vực Amazon, ô nhiễm không khí đô thị, suy thoái các vùng đất ngập nước và không bảo đảm an ninh lương thực. Có thể nói, đây là một sự khích lệ lớn với các nước đang phát triển hướng tới xu thế phát triển Xanh.
   Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cấu 2008, tăng trưởng kinh tế Xanh trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia như một động lực thúc đẩy, phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Thực tế từ các quốc gia vận dụng mô hình tăng trưởng Xanh như Đức, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ … cho thấy, có thể đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội đồng thời với việc bảo vệ môi trường.
   Tuyên bố Honolulu của các nhà lãnh đạo APEC sau Hội nghị diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức vào tháng 11/2011 tại Hawaii (Mỹ) xác định, cần phải giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế khu vực bằng cách hướng tới nền kinh tế Xanh, carbon thấp, nâng cao an ninh lương thực và tạo nguồn mới cho tăng trưởng kinh tế và việc làm. APEC thống nhất lấy năm 2012 phát triển danh mục hàng hóa môi trường (hàng hóa Xanh) và giảm thuế quan đối với các mặt hàng này vào cuối năm 2015. APEC sẽ xóa bỏ rào cản phi thuế quan bao gồm các yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa đối với các dịch vụ và hàng hóa môi trường.
   Diễn đàn Tăng trưởng Xanh toàn cầu lần thứ nhất diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) trong hai ngày 11-12/10/2011 do Chính phủ Đan Mạch phối hợp với đồng sáng kiến của Chính phủ Hàn Quốc, Mexico thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua cơ chế hợp tác công – tư giữa các chính phủ với khối doanh nghiệp…

 

   Việt Nam hướng tới nền kinh tế Xanh
    Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược, chương trình và kế hoạch quốc gia về phát triển bền vững. Từ năm 2006, 10 chỉ tiêu phát triển bền vững đã được đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
   Dự thảo Chiến lược tăng trưởng Xanh 2011 – 2020 tầm nhìn 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý rộng rãi, khẳng định, “Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”.
   Theo các chuyên gia kinh tế, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế  từ “chiều rộng” áp dụng quá lâu, cần phải được thay thế bằng mô hình phát triển theo “chiều sâu”, bền vững, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn phát triển mới.
   Điều này phù hợp với mục tiêu hướng tới “chất lượng tăng trưởng” trong Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011). Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, có sử dụng công nghệ cao để từng bước nâng cao sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế, từng doanh nghiệp, sản phẩm.
   Tuy nhiên, trước mắt là những thách thức không nhỏ. Bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khai thác thô, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và năng lượng hóa thạch cho phát triển kinh tế và tiêu dùng. Việt Nam còn là nước sản xuất nông nghiệp lớn, chiếm tới gần ¼ GDP. Đây lại là khu vực phát thải nhiều khí nhà kính. Thêm nữa, nền kinh tế  Việt Nam với năng suất thấp, tốc độ đổi mới công nghệ diễn ra chậm chạp; lại đang trong quá trình tăng tốc nên rất khó cắt giảm tiêu hao nhiên liệu; trong khi cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng xanh chưa phát triển và nhận thức về biến đổi khí hậu của người dân còn “mơ hồ”.
Ngày Môi trường thế giới năm nay, một lần nữa khẳng định “Bạn” là chủ thể tham gia vào tiến trình phát triển nền kinh tế Xanh, để cùng hướng tới một quan niệm phát triển khôn ngoan, tạo ra một tương lai tươi sáng.
   Sáng kiến hợp tác Á – Âu (ASEM) về tăng trưởng xanh do Thủ tướng Việt Nam đề xuất tại Hội nghị Cao cấp ASEM tháng 10/2010, nhận được sự ủng hộ của rất nhiều tổ chức, quốc gia thành viên. Diễn đàn Hợp tác ASEM về tăng trưởng xanh với chủ đề “Cùng hành động hướng tới các nền kinh tế xanh” được tổ chức tại Việt Nam vào đầu tháng 10/2011, mở ra cơ chế  hợp tác, chia sẻ  kinh nghiệm phát triển xanh giữa các nước. Đó chính là  những nỗ lực, hành động thiết thực của Việt Nam trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo xu hướng Xanh.

Thao Lan
Theo TN&MT

In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Hội thảo tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động thực hiện bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng (31/05/12)
 Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa: Tập huấn về quản lý tổng hợp đới bờ ven biển (30/05/12)
 Hội thảo đánh giá môi trường chiến lược (25/05/12)
 Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (25/05/12)
 Sử dụng quỹ đất: Sắp xếp lại để sử dụng hiệu quả hơn  (24/05/12)
 Không thay đổi thời gian diễn ra sự kiện Ngày Môi trường Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (22/05/12)
 Chủ tịch nước gửi thư ngày phòng, chống thiên tai (22/05/12)
 Hoàn thiện dự thảo Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (18/05/12)
 Hoàn thiện Thông tư quy định công nhận túi nilon thân thiện môi trường sản xuất tại Việt Nam (18/05/12)
 Thanh Hóa: Phê duyệt Dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư  (18/05/12)
 Thanh Hóa: Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường (18/05/12)
 Chính phủ sẽ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi luật Đất đai (17/05/12)
 Bế mạc Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (17/05/12)
 Đề án báo cáo địa chất  (17/05/12)
 Thông tư quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường (14/05/12)
       
 
Bản quyền sử dụng: Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa
Địa chỉ: 14 Hạc Thành, P Tân Sơn, Thành phố Thanh Hoá, Điện thoại: 02376.256.168; Fax: 02376.256.157

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22 tháng 01 năm 2019.
Website được xây dựng với sự phối hợp giữa Công ty Công nghệ Lam Kinh và Trung tâm CNTT Sở TNMT